Sản lượng thức ăn chăn nuôi của VN gia tăng đáng kể trong năm 2022 và đã vươn lên vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng thế giới. Thế nhưng người nông dân thì vẫn thua lỗ vì chi phí thức ăn chăn nuôi quá cao, vì đâu nên nỗi?
Nông hộ bị chèn ép
Theo báo cáo Triển vọng nông sản Alltech năm 2023 vừa được công bố, VN đã có sự phục hồi mạnh mẽ về sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) vào năm 2022, với sản lượng đạt 26,72 triệu tấn, đứng thứ 8 thế giới. VN cũng vào top 10 thế giới về sản lượng TACN, thủy sản trên toàn cầu.
Một số ý kiến chuyên gia trong ngành chăn nuôi nhận định, thị trường sản xuất TACN trong nước hết sức màu mỡ nên đã quy tụ hầu hết tên tuổi lớn nhất thế giới, kết quả gia tăng sản lượng cũng nhờ sự đóng góp của các đại gia này. Cụ thể, tập đoàn sản xuất TACN lớn nhất thế giới hiện nay là C.P Group (Charoen Pokphand Group - Thái Lan), top 3 công ty sản xuất thịt gia cầm, thịt heo hàng đầu thế giới, đã đặt nền móng tại VN gần 30 năm nay và có hệ thống nhà máy sản xuất, chế biến từ bắc vào nam. Tập đoàn có sản lượng TACN lớn thứ hai thế giới là New Hope cũng đã có 11 công ty hoạt động tại thị trường VN và đang tiến hành xây dựng thêm 3 trang trại chăn nuôi heo ở Thanh Hóa, Bình Phước, Bình Định với số vốn 3.800 tỉ đồng. Nằm trong top 3 thế giới là Tập đoàn Cargill (Mỹ) cũng đã có mặt tại VN khá sớm. Những cái tên tiếp theo trong top 10 thế giới như Haid (Trung Quốc), BRF (Brazil), Nutreco (Hà Lan) cũng đã đầu tư tại VN và phân chia thị phần. Nếu mở rộng hơn danh sách các "đại gia" của thế giới thì có thêm hàng loạt cái tên như De Heus (Hà Lan), Japfa (Singapore), CJ (Hàn Quốc), Mavin (Pháp)… cũng đang đẩy mạnh đầu tư ở VN.
VN đang vào top 10 nước sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới